Thứ 7, 03/05/2025

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khảo sát tại Quân khu I

Tiếp tục chương trình khảo sát phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng không nhân dân, chiều ngày 22/7/2024, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã làm việc tại Bộ Tư lệnh Quân khu I.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì Hội nghị

Tham gia đoàn khảo sát có các đồng chí: Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và đại diện Ban soạn thảo Dự án Luật Phòng không nhân dân.

Đại diện Quân khu I báo cáo tại Hội nghị

Quân khu I nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc gồm 6 tỉnh 56 huyện, với diện tích khoảng 28.000km²và 564 km đường biên giới đất liền giáp với tỉnh Quảng Tây/Trung Quốc. Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác phòng không nói chung và công tác phòng không nhân dân nói riêng, Bộ Tư lệnh Quân khu I đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, cơ quan quân sự địa phương phối hợp ban, ngành các cấp tham mưu xác định, bố trí thế trận phòng không trên địa bàn Quân khu I gắn với thế trận phòng không nhân dân trên từng địa phương, làm cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng không nhân dân được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ từ Quân khu đến các địa phương.

Các đại biểu dự Hội nghị

Toàn Quân khu đã thành lập 63 Ban chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; ban hành đầy đủ các văn bản quản lý nhà nước về phòng không nhân dân. Bộ Tham mưu quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh đã chủ động bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm phòng không nội dung xây dựng văn kiện kế hoạch phòng không nhân dân các cấp.

Tuy nhiên, việc huy động tổ chức, cá nhân và Nhân dân tham gia các hoạt động phòng không nhân dân còn gặp khó khăn do chưa có quy định bắt buộc; pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định về việc tổ chức xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; lực lượng làm công tác phòng không nhân dân chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa có quy định bảo đảm cụ thể cho huấn luyện, kiểm tra; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển, nhu cầu khai thác, sử dụng và công tác quản lý.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng không nhân dân, tập trung vào các nội dung như: Việc xây dựng thế trận, công trình, trận địa phòng không nhân dân; thực hiện các nội dung công tác phòng không nhân dân thời bình; tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ/phòng không; xây dựng các tổ (đội) chuyên môn phòng không nhân dân; công tác tổ chức huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng lực lượng chuyên môn về phòng không nhân dân; kết quả tổ chức, chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ có nội dung công tác phòng không nhân dân; quản lý phương tiện UAV; cấp phép bay; bảo đảm an toàn phòng không; chế độ, chính sách, trang bị cho hoạt động phòng không nhân dân…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân, đồng thời đánh giá cao hoạt động khảo sát kịp thời của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để chuẩn bị tốt nhất dự án Luật trình tại kỳ họp thứ 8.

Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị

Tham gia một số ý kiến cụ thể, đồng chí Đoàn Thị Hảo nhấn mạnh, việc xác định trọng điểm phòng không nhân dân của cấp tỉnh và cấp huyện là một vấn đề rất quan trọng, được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu Quốc hội. Dự thảo luật cũng đã đưa ra những tiêu chí xác định trọng điểm phòng không nhân dân, như có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đối với nội dung này, đồng chí Đoàn Thị Hảo đề nghị giao Bộ Quốc phòng hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí xác định trọng điểm phòng không; vì đây là nội dung liên quan đến các yếu tố về kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh trong từng thời kỳ, từng giai đoạn nhất định; đặc biệt phải đảm bảo bí mật trong tác chiến để giữ an toàn vùng trời và sẵn sàng đánh địch, tiến công trong các tình huống. Về huy động lực lượng phòng không nhân dân, dự thảo Luật hiện nay đang quy định độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động như sau: Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; nếu tình nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ. Đồng chí Đoàn Thị Hảo đề nghị xem xét, mở rộng lực lượng toàn dân tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu và phù hợp với chiến lược cũng như phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân.

Phát biểu kết thúc chương trình khảo sát, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị đều hết sức cụ thể, thiết thực, sát với tình hình địa phương. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, Quân khu I là vùng đất có truyền thống cách mạng, thế trận phòng không nhân dân trên địa bàn Quân khu được xây dựng khá hoàn thiện với hệ thống các công trình và lực lượng phòng không nhân dân được bố trí phù hợp, tạo thế trận phòng không nhân dân vững chắc. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Quân khu I tiếp tục phát huy truyền thống, tham gia cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng không nhân dân, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị để tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình chỉnh lý dự án luật; đồng thời nghiên cứu đưa vào dự thảo luật một số khải niệm thường xuyên sử dụng. Đồng chí cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu các ý kiến, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai các quy định về phòng không nhân dân để có hướng tháo gỡ ngay trong dự thảo luật; giải trình cụ thể, thấu đáo đối với các nội dung chuyên ngành, phức tạp; đặc biệt lưu ý một số nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, do phòng không nhân dân là lĩnh vực đặc thù. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc: Thứ nhất, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về thế trận quốc phòng toàn dân; thứ hai, bám sát các chính sách đã được Quốc hội thông qua và ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình cho phù hợp; thứ ba, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quy định nguyên tắc, trình tự và quy định cụ thể trong dự thảo luật; thứ tư, đưa vào luật những nội dung đã rõ và đã được thực tế kiếm nghiệm và đưa vào văn bản hướng dẫn đối với các nội dung đã rõ nhưng chưa được kiểm nghiệm nhiều trong thực tế./.

Phòng TT-DN

 

 Liên kết
 Bình chọn

Bạn thấy Website mới như nào

 Thống kê lượt truy cập