Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi
Tham dự có các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Toàn cảnh Hội nghị
Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị
Dự Hội nghị còn có đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh và đại diện một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này gồm 6 chương, 36 điều, quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức, người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về Công đoàn.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), gồm 10 chương, 142 điều, quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; quản lý thu, đóng, trình tự, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội; Quỹ bảo hiểm xã hội; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội.
Đại diện Liên đoàn lao động tỉnh phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối với hai dự án luật, nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những vướng mắc của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam. Các đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự án luật, cụ thể như: Giao tăng quyền chủ động cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong công tác xây dựng, đề xuất và sử dụng biên chế của tổ chức công đoàn; cụ thể hóa các tiêu chí làm căn cứ để giao biên chế cho công đoàn các địa phương; phân bổ biên chế cho các tổ chức công đoàn đi đôi với việc cân đối nguồn lực tài chính; xem xét quy định thời gian làm nhiệm vụ công đoàn cho cán bộ công đoàn cơ sở hợp lý, phù hợp, với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam; cho phép người lao động khu vực không chính thức có quyền thành lập, gia nhập tổ chức công đoàn.
Đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn; xem xét để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được hưởng chế độ thai sản; đề nghị ghi nhận thời gian nghỉ thai sản là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hướng giải quyết đối với các chính sách về bảo hiểm xã hội có quan hệ chặt chẽ với mức lương cơ sở khi thực hiện chế độ cải cách tiền lương; chế tài xử lý đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp và gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét, hoàn thiện 2 dự thảo luật./.
Phòng TTDN