Chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất tại Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Nhà Quốc hội
Theo chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự Phiên họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên; Mai Thị Thúy Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Quang Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đang công tác tại địa phương; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh và một số sở, ngành liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Các vấn đề, lĩnh vực Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề, chất vấn đều là những nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân quan tâm nhiều. Qua các báo cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và công tác đối ngoại; tuy nhiên, một số nội dung triển khai còn chậm, có nội dung hiệu quả, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên
Tiếp nối thành công của hoạt động chất vấn tại các Kỳ họp vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng rằng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ chuyên môn sâu và nắm chắc tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở của các vị đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước.
Trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Báo cáo ý kiến của Ban Dân nguyện về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 06 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, liên quan tới 09 lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; tư pháp; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nội vụ; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cơ bản bám sát các nội dung trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đã khái quát được những kết quả, thành tựu, chỉ ra một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân; đồng thời, xác định rõ các giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia chất vấn
Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng cho biết về việc triển khai và kết quả đạt được đối với mục tiêu đến năm 2025, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40% được đề ra tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Hảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, việc giảm chi phi sản xuất cũng là 1 biện pháp để tăng lợi nhuận của người nông dân. Bộ trưởng cũng thông tin thêm, thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, vụ thu hoạch đầu tiên ở Cần Thơ đã minh chứng rằng chúng ta có thể giảm khoảng 30% chi phí, tương ứng với việc lợi nhuận của người nông dân đã tăng lên. Như vậy, để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa hay cho những ngành hàng nông sản khác thì cần quan tâm cả vấn đề tiết kiệm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng đầu ra. Đồng thời, phát triển một chuỗi ngành hàng nông sản đó để tạo ra những giá trị khác ngoài giá trị mua bán nông sản thô.
Đại biểu Lý Văn Huấn tham gia chất vấn
Tham gia chất vấn, đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết nguyên nhân hàng hóa nông sản của Việt Nam khó thâm nhập vào thị trường các nước châu Âu cũng như một số thị trường khó tính khác và giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Văn Huấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nước ta có nhiều tiềm năng sản xuất nông sản, nhất là sản phẩm nhiệt đới, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trên thế giới. Nông sản Việt đi vào thị trường thế giới ngày càng nhiều, tốc độ tăng 15-20%, tuy nhiên hiện nay mới chỉ vào được các thị trường dễ tính.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Bộ Công thương đề nghị chú trọng quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng công nghệ sản xuất để đáp ứng đủ lớn và đạt tiêu chuẩn; địa phương, doanh nghiệp sản xuất chú trọng xây dựng, củng cố thương hiệu sản phẩm quốc gia thay vì thương hiệu địa phương và doanh nghiệp; chú ý bảo hộ vùng trồng, bảo hộ thương hiệu, bảo hộ chỉ giới địa lý và chất lượng sản phẩm; thay đổi tập quán sản xuất…
Phòng TTDN